Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, việc người nước ngoài sở hữu nhà ở Việt Nam, một mặt tiêu thụ được những sản phẩm bất động sản (BĐS), mặt khác sử dụng thêm được người lao động. Đây cũng là giải pháp trước mắt để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Về lâu dài, đây cũng là giải pháp để chúng ta hội nhập với khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực phát triển nhà ở.
Mở cửa để hội nhập
Theo thống kê, đến đầu năm 2013 cả nước có chưa tới 500 trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam, trong đó thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) có số người nước ngoài được mua nhà nhiều nhất. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng số liệu này là khá thấp nếu so với hơn 80.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Phân tích lý do vì chính sách đã có nhưng lại chưa đi vào cuộc sống, Thứ trưởng bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam thừa nhận: “Lâu nay mình quá chặt chẽ cứ sợ vấn đề này vấn đề kia nên chỉ giới hạn thôi, bởi vậy chính sách này không vào được cuộc sống... Khi mình kêu gọi đầu tư nước ngoài, dân mình vác tiền sang Mỹ, sang Úc mua nhà ở, trong khi người nước ngoài sang Việt Nam mua lại không được. Giờ người ta có nhu cầu, thế giới phẳng, điều kiện về quốc tịch dễ dàng hơn, điều kiện visa dễ dàng hơn. Chúng ta kêu gọi đầu tư lẫn nhau giữa các nước thoải mái hơn trong khi vấn đề nhà ở cho người nước ngoài vẫn bó, mình không mở thị trường ra”.
Chia sẻ quan điểm này, GS - TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cũng phân tích rằng, nếu chính sách thông thoáng, giúp người nước ngoài mua nhà đất tại Việt Nam sẽ là một bước khẳng định với các nhà đầu tư nước ngoài về việc Việt Nam ngày càng rộng mở đối với các nhà đầu tư, tạo điều kiện cho họ có nơi ở ổn định. Về lâu dài, theo ông Võ, cùng với tác động của việc Việt Nam là thành viên của WTO, đề án cho người nước ngoài mua nhà sẽ khiến thị trường sôi động hơn rõ rệt.
Những băn khoăn của các chuyên gia cũng phần nào được mở ra hy vọng thay đổi khi Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đăng đàn trả lời báo giới mới đây khẳng định, Chính phủ cũng đã đồng ý với đề nghị của Bộ Xây dựng trên cơ sở những ý kiến đóng góp, kiến nghị của người dân để xây dựng chính sách trình Quốc hội cho phép mở rộng đối tượng người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Trong đó tập trung mở rộng vào đối tượng mua, điều kiện mua nới lỏng, loại nhà tập trung vào loại nhà thương mại nhưng có giá trị cao, thời hạn sở hữu nhà kéo dài hơn chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam.
“Bộ Xây dựng đang xây dựng và sau đó trình Chính phủ, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội và Quốc hội cho phép. Chúng tôi sẽ cố gắng cuối năm 2013 trình với Quốc hội”, Bộ trưởng cho biết.
Cứu cánh cho thị trường?
Nói về lợi ích của việc mở cửa cho người nước ngoài mua nhà, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM dẫn chứng, tại Singapore, người nước ngoài được mua nhà thương mại không hạn chế, chỉ không được mua nhà xã hội. Người nước ngoài mua nhà bị đánh thuế hằng năm tùy theo giá trị căn nhà. Hồng Kông cũng có chính sách tương tự Singapore. Còn tại Campuchia, người nước ngoài được phép mua những căn hộ từ tầng hai trở lên, không giới hạn số lượng. Nhờ đó, thị trường BĐS càng phát triển và nhà nước thu được nhiều thuế, từ đó, có ngân sách rót cho các dự án xã hội.
Đó cũng là lợi ích mà Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận. Theo ông, khi mở cửa cho người nước ngoài mua nhà, một mặt, chúng ta tiêu thụ được những sản phẩm BĐS, mặt khác sử dụng thêm được người lao động, giải quyết được vấn đề kinh tế và việc làm cho người dân. Đây cũng là giải pháp trước mắt để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Về lâu dài đây cũng là giải pháp để chúng ta hội nhập với khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực phát triển nhà ở.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo chí, bà Tô Nguyệt Minh, đại diện một đơn vị tư vấn BĐS cũng cho rằng, chính sách cho người nước ngoài mua nhà sẽ tác dụng tốt trong việc tăng cầu cho thị trường BĐS. Đặc biệt, theo bà Minh, khi có nhiều người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam sẽ giúp phá vỡ tâm lý chờ đợi giá xuống thấp hơn nữa – lực cản lớn nhất của thị trường BĐS hiện nay.
Nhiều chuyên gia BĐS cũng nhận định mở cửa cho vốn ngoại giúp kích thích nhu cầu mua các BĐS cao cấp, một trong những phân khúc tồn kho lớn nhất hiện nay. “Chúng ta không nên quá lo lắng về việc người nước ngoài sở hữu BĐS, bởi họ không thể mang căn nhà về nước được”.
Và như nhiều chuyên gia nhận định, trong hoàn cảnh thị trường BĐS đóng băng hiện nay, đặc biệt phân khúc nhà cao cấp, giải pháp cho người nước ngoài mua có lẽ là 1 lối thoát đáng để lưu tâm.
- Theo VnMedia