Bất động sản tiếp tục giảm giá là hiện tượng phổ biến trên thị trường Hà Nội. Dự báo, giá căn hộ trên thị trường sơ cấp khó có thể giảm thêm, nhưng thay vào đó, các chủ đầu tư tiếp tục áp dụng chính sách thanh toán linh hoạt, quà tặng và chiết khấu khi mua căn hộ.
Báo cáo mới nhất về tình hình thị trường bất động sản của Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) đánh giá, thị trường bất động sản năm 2012 trầm lắng không chỉ để lại hậu quả là hàng vạn doanh nghiệp báo lỗ, ngừng hoạt động, thậm chí phải giải thể mà còn cả một lượng hàng tồn kho rất lớn và gánh nặng cho năm nay. Theo thống kê chưa đầy đủ cho thấy trong năm 2012 đã có 680 doanh nghiệp với ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản đăng ký giải thể, ngừng hoạt động (năm 2011 là 576 doanh nghiệp).
Sau khi phân tích nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Viện Kinh tế xây dựng kiến nghị nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp bất động sản tháo gỡ khó khăn. Ðáng chú ý là kiến nghị xem xét huy động vốn từ trái phiếu công trình để tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm giải quyết tồn kho của các doanh nghiệp. Cùng với đó, tiếp tục gia hạn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp đầu tư - kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở; doanh nghiệp được nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ thanh toán tiền bán hàng trong thời gian tối đa 24 tháng; giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội xuống còn 5% để người mua nhà được hưởng lợi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm giá bán...
Về những giải pháp "giải cứu" thị trường bất động sản, cho đến nay, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng nằm trong chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho người nghèo, người thu nhập thấp, đồng thời thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ về "Một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu" đang được lên kế hoạch triển khai, áp dụng.
Tại thị trường Hà Nội, nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đã và đang xin chuyển sang nhà ở xã hội. Tính đến thời điểm này, đã có ba dự án nhà thương mại đã được chuyển sang nhà thu nhập thấp gồm: Dự án nhà ở Trung Văn mở rộng tại huyện Từ Liêm (Công ty Ðầu tư xây dựng Hà Nội), Dự án khu nhà ở cao tầng tại 143 Trần Phú, Hà Ðông (Công ty Ðầu tư xây dựng và phát triển đô thị Sông Ðà) và Dự án tổ hợp chung cư AZ Thăng Long (Công ty Bánh kẹo Thăng Long). 12 dự án khác đã được chủ đầu tư đăng ký chuyển đổi cơ cấu căn hộ và mô hình nhà thương mại sang nhà xã hội.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, Tổ công tác của Bộ và UBND thành phố Hà Nội sẽ tích cực phối hợp để thúc đẩy nhanh các dự án nhà ở xã hội. Bởi hiện nay, nhu cầu nhà ở xã hội của Hà Nội rất lớn, vì vậy trong năm 2013, phấn đấu xây dựng, chuyển đổi khoảng 10 dự án từ nhà ở thương mại sang xã hội, dự kiến, đến hết tháng 4 này, thực hiện từ 5 đến 6 dự án.
Các chủ đầu tư kỳ vọng, việc chuyển đổi này để hưởng một số ưu đãi, đồng thời khơi thông dòng vốn khi đầu ra của sản phẩm dễ dàng hơn. Song, giá đầu ra của sản phẩm ở mức nào đang được hàng nghìn người có nhu cầu cải thiện chỗ ở rất quan tâm. "Nếu mức giá bán vẫn trên 13 triệu đồng/m2, thì quá cao. Vì trong thời gian gần đây, nhiều chủ đầu tư nhà ở thương mại cũng chỉ chào bán trên dưới 15 triệu đồng/m2. Chẳng hạn, căn hộ chung cư ở Ðại Thanh, Kim Văn - Kim Lũ có giá 10 - 15 triệu đồng/m2 mà chủ đầu tư vẫn có lãi, thì với những ưu đãi của Nhà nước, căn hộ nhà ở xã hội chỉ nên bán dưới 10 triệu đồng/m2" - một chuyên gia phân tích.
- Theo Nhân Dân