Trên đây là nhận định của Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke, đưa ra ngày 8/4 trong một bài phát biểu về hệ thống ngân hàng Mỹ.
Phát biểu tại một hội thảo ở bang Georgia, Chủ tịch Bernanke thừa nhận nền kinh tế đầu tàu thế giới hiện tại đã khởi sắc hơn nhiều so với 4 năm trước, thời điểm bắt đầu bùng nổ khủng hoảng. Song, theo ông, để phục hồi hoàn toàn, kinh tế Mỹ phải vượt qua một chặng đường dài phía trước.
Về các quan ngại của giới chuyên gia cho rằng chương trình nới lỏng định lượng (QE) và chính sách lãi suất thấp kỷ lục - từ 0 đến 0,25% - của Fed đang làm gia tăng các nguy cơ đối với quản lý tiền tệ và khiến lạm phát leo thang, Chủ tịch Bernanke cho biết đa số các thành viên Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - đều nhất trí rằng mua trái phiếu tiếp tục là công cụ hỗ trợ hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Ông nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng trước mắt của Mỹ là giải quyết nạn thất nghiệp.
Những phát biểu trên của Chủ tịch Fed được đưa ra trong bối cảnh thị trường việc làm ở Mỹ lại có dấu hiệu tăng nhiệt với số lượng công nhân nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tuần cuối cùng của tháng 3 vừa qua đã tăng mạnh nhất trong vòng 5 tháng gần đây.
Số liệu vừa công bố của Bộ Lao động Mỹ cho biết tổng số công nhân nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần đó là 385.000, tăng mạnh so với mức dự kiến 350.000 người của các chuyên gia. Đây là số lượng công nhân thất nghiệp cao nhất trong một tuần kể từ tháng 10/2012.
Cũng trong tháng 3, thị trường Mỹ chỉ tạo thêm được 88.000 việc làm mới, mức thấp nhất trong 9 tháng trở lại đây, giữ tỷ lệ thất nghiệp tại nền kinh tế số một thế giới ở mức 7,6%.
Theo giới chuyên gia, đây là bằng chứng về đà phục hồi vẫn chưa thật sự ổn định của nền kinh tế Mỹ. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu ngân hàng trung ương Mỹ có siết chặt chính sách nới lỏng tiền tệ hiện nay để duy trì mức lãi suất thấp trong dài hạn hay không.
Trong suốt 4 năm qua, Fed đã duy trì lãi suất các khoản vay ngắn hạn ở mức gần như bằng 0% và cùng với nhiều ngân hàng trung ương các nước áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ, cung một lượng tiền lớn cho nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng.