Trước đó, UBND tỉnh Lào Cai đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cảng hàng không Sa Pa theo hình thức PPP tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.

Cảng hàng không Sa Pa được xây dựng trên diện tích 371 ha là sân bay dân dụng cấp 4C và sân bay quân sự cấp II với 1 đường cất hạ cánh, hệ thống đường giao thông kết nối với tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai quy mô 2 làn xe.
UBND tỉnh Lào Cai dự kiến thời gian thực hiện Dự án là 50 năm, trong đó thời gian xây dựng là 4 năm, thời gian thu phí hoàn vốn, tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư là 46 năm.
Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt, giai đoạn đến năm 2030, Cảng hàng không Sa Pa được đưa vào khai thác có cấp 4C và công suất 3 triệu khách/năm.
Trong tổng số gần 1.200 tỷ đồng ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện dự án, ngân sách địa phương đảm bảo tự cân đối 543 tỷ đồng kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng. Số vốn còn lại (651 tỷ đồng), UBND tỉnh Lào Cai đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành trung ương bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn ngân sách trung ương (ngoài định mức kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn nguồn vốn NSTW địa phương được phân bổ).
Khẳng định việc sớm triển khai xây dựng Cảng hàng không Sa Pa là rất cần thiết, lãnh đạo tỉnh Lào Cai nhấn mạnh: Dự án được triển khai là nguồn động lực để phát huy hiệu quả các nguồn vốn đã đầu tư (các khu nghỉ dưỡng cao cấp, hệ thống cáp treo Phanxipăng...).
Nguồn khách của sân bay này là đến từ thị trường khách du lịch đến với khu du lịch Quốc gia Sa Pa và thị trường tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, các tỉnh miền trung và miền Nam Việt Nam.
Cũng theo lãnh đạo tỉnh Lào Cai, việc xây dựng Cảng hàng không kết hợp cả dân dụng và quân sự sẽ góp phần tăng cường khả năng cơ động trong việc phòng thủ, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh khu vực biên giới phía Bắc.
Theo VGP