Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2013 đã giảm 0,19% so với tháng trước, khá giống với CPI tháng 3 năm 2009. Tuy nhiên, ở một gốc so sánh khác, so với tháng 12 năm trước, CPI tháng 3 năm nay tăng 2,39%, cao hơn mức tăng 1,32% trong 3 tháng đầu năm 2009.
Diễn biến CPI qua các tháng - Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Mặc dù giảm giá so với tháng trước nhưng khi so với tháng 3/2012, CPI tháng này vẫn tăng 6,64%. CPI bình quân quý 1/2013 tăng 6,91% so với quý 1/2012.
Không giống mọi năm, CPI tháng sau tết nguyên đán thường tăng, năm nay sở dĩ CPI ghi nhận ở mức âm là do Tết Nguyên đán đã nằm trọn trong tháng lấy giá trước và hàng hóa giảm sau tết là quy luật đã được xác lập từ trước, nhất là các mặt hàng nhạy cảm như lương thực, thực phẩm, đồ uống và thuốc lá.
Trong tháng này, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,53% so với tháng trước, trong đó lương thực giảm 0,59%, thực phẩm giảm mạnh 0,95% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,87%.
Hiện các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang được mùa trong khi giá gạo xuất khẩu lại giảm khiến nguồn cung ngày càng dồi dào, giá thu mua lẫn bán lương thực đang ở mức thấp.
Còn thực phẩm, giữ đúng quy luật sau tết, giá cả các mặt hàng trở lại mức giá trước tết, tương đương mức giá của tháng 1 đầu năm. Duy chỉ có các mặt hàng sữa bột tăng giá mạnh nhưng do quyền số nhỏ nên không thể kéo chỉ số chung nhóm thực phẩm cao hơn tháng trước.
Đang trong “tháng ăn chơi”, giá cả các mặt hàng ăn uống ngoài gia đình tăng nhẹ do nhu cầu tăng hơn bình thường của người dân khi đi vui chơi lễ hội đầu năm.
Cũng nằm trong quy luật giảm giá sau tết, các nhóm mặt hàng đồ uống và thuốc lá giảm 0,08%, giao thông giảm 0,25% khi giá các mặt hàng trong nhóm điều chỉnh về mức tương đương mức trước Tết.
Các nhóm hàng còn lại tăng nhẹ và nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục đóng vai "bình ổn giá" khi cũng giảm 0,05%.
Đáng chú ý là sau khi dịch vụ y tế tác động lớn đến chỉ số chung trong các tháng trước, thì nay đã bình ổn trở lại khi chỉ tăng 0,02%, cũng góp phần giúp chỉ số chung không còn đột biến khác mọi năm.
Ở một góc nhìn khác, chỉ số giá khu vực nông thôn trong thời gian gần đây khi tăng thường tăng cao hơn hoặc khi giảm thì mức giảm cũng thấp hơn so với khu vực thành thị. Từ đây có thể thấy rằng áp lực cuộc sống hàng ngày từ giá của các hộ gia đình sống ở nông thôn đang cao hơn các gia đình ở khu vực thành thị.
Ngoài ra, trong tháng, nhóm ăn uống ngoài gia đình của khu vực nông thôn cao hơn khá nhiều so với khu vực thành thị (1,56% và 0,42%), phải chăng là do đầu năm người thành phố di chuyển về nông thôn để vui chơi?
Một điểm đáng chú ý nữa là, trong 10 tỉnh thành phố được chọn để công bố của Tổng cục Thống kê có hai tỉnh gần nhau, nhưng trong khi CPI tại Vĩnh Long tăng cao nhất ở mức +0,22%, thì CPI tại thành phố Cần Thơ lại giảm mạnh nhất, ở mức -0,3%.
Trong tháng, hai mặt hàng không thuộc diện tính toán chỉ số giá là vàng và đô la Mỹ tiếp tục diễn biến trái chiều khi lần lượt giảm 2,63% và tăng 0,41% so với tháng trước.