Hai vợ chồng anh Thành là công chức, thu nhập chưa đầy chục triệu đồng một tháng phải lo gia đình 3 miệng ăn, nhưng anh Thành vẫn xoay sở mua được nhà Sài Gòn. Tổ ấm của anh nằm sâu cuối hẻm, chỉ có một lối ra, đi vài lần vẫn lạc đường vì ngoằn nghoèo. Nhà rộng chưa đầy 15m2, một trệt, thêm gác đúc giả tròm trèm 25m2, giá gần 400 triệu đồng trên đường Trần Văn Quang, quận Tân Bình.
Thành chia sẻ: "Tiền ít, môi giới rỉ tai nếu chịu vào hẻm cụt, chấp nhận bị quy hoạch phóng lộ giới trong tương lai thì họ dẫn đi xem. Chúng tôi đã mua vì quá cấp bách về chỗ ở và cũng chẳng tìm đâu ra giá rẻ đến thế".
Dù mua nhà trong tình thế có rất ít sự lựa chọn, song anh Thành tỏ ra yên tâm về bài toán kinh tế. Anh nhẩm tính, nếu thuê nhà chung cư diện tích 45m2 cho ba người tại Tp.HCM phải tốn 3,5-4 triệu đồng một tháng mà vẫn phải ra tận quận 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân. Mỗi năm, tính cả tiền nhà và xăng xe mất hơn 40 triệu đồng. Ở trọ 10 năm thì tiêu ngót nửa tỷ đồng mà chả có tấc đất cắm dùi. Vì lẽ đó, vợ chồng anh an phận ở nhà hẻm cụt.
"Lúc đầu tôi rất lo bị phóng lộ giới sẽ mất bay căn nhà. Về sau tìm hiểu, mười mấy năm tới có khi quy hoạch này vẫn nằm trên giấy nên tôi không nghĩ ngợi nữa. Đến lúc đó, chúng tôi tích cóp, dồn tiền may ra tìm được nhà khác", Thành nói.
Ảnh minh họa
Cũng vừa mua được nhà trong hẻm nhỏ với giá 500 triệu đồng, chị Hương kể: "Vợ chồng tôi cưới nhau được một năm, mò mẫm tìm chỗ ở trong vô vọng thì vớ được căn nhà nát ở hẻm sâu trên đường Trần Văn Đang, quận 4".
Chị Hương cho hay, căn nhà có khá nhiều nhược điểm và bị hàng tá khách hàng chê nên mới đến được tay ít tiền như vợ chồng chị. Chẳng hạn như phải đi lòng vòng đến ngõ thứ 5 mới tới nhà, tương lai có dự án phóng lộ giới lùi vào gần một mét trong khi chiều ngang quá hẹp, chỉ rộng 2,5 m còn chiều dài hạn chế, chỉ được gần 8m.
"Vợ chồng tôi thường hỏi nhau, hẻm này vừa sâu vừa nhỏ, nhỡ hỏa hoạn thì chạy đi đâu? Mai này phóng lộ, diện tích nhà hẹp lại liệu có ở được không? Nhưng may mắn nhà có sổ hồng, chúng tôi đỡ lo một phần", chị tâm sự.
Theo giới buôn địa ốc, nhà trong các con hẻm nhỏ hoặc hẻm cụt tại Tp.HCM có giá rẻ hơn nhà mặt phố hoặc nhà hẻm xe hơi gấp 2-3 lần. Bù lại cho những khuyết điểm: hẻm cụt, quy hoạch lộ giới đi qua, diện tích quá nhỏ thậm chí xây cất sai phép không thể hoàn công... thì giá cả phải chăng. Sản phẩm này hầu như không có nhiều cơ hội tăng giá theo thời gian vì không gian khá chật chội, thậm chí còn có một số trường hợp gặp rủi ro về pháp lý.
Giám đốc sàn giao dịch bất động sản ACB (ACBR) Ngô Đình Hãn cho biết: "Nhà hẻm diện tích nhỏ giá vài trăm triệu đồng ở Sài Gòn là sản phẩm đặc thù còn tồn tại của giai đoạn trước những năm 2000. Tuy hiện nay thị trường có nhu cầu khá nhiều, nhưng đây chỉ là phân khúc rất nhỏ".
Ông Hãn đánh giá, nguồn cung loại này trong khu nội đô Tp.HCM rất hạn chế, chỉ rải rác ở những khu vực có quy hoạch chưa hoàn chỉnh hoặc tốc độ chỉnh trang đô thị chậm. Nếu chẳng may nằm trong kế hoạch mở rộng lộ giới hay phóng đường, những căn nhà này có số phận rất mong manh, nhiều khả năng tiếp tục bị chẻ nhỏ thêm. "Tại sàn ACBRS, để tránh rủi ro, chúng tôi thường khuyến cáo khách hàng cân nhắc kỹ trước khi chọn nhà có giá trị quá lớn nhưng lại nằm trong kế hoạch dự phóng đường", ông Hãn nói.
Dù thừa nhận một số nhược điểm của dòng sản phẩm này, lãnh đạo ACBRS cho rằng không phải tất cả nhà trong hẻm nhỏ đều kém hấp dẫn. Sài Gòn vẫn có những căn nhà trong ngõ sâu giá rẻ, song may mắn được hợp thức hóa đúng quy định, đúng thời điểm và có sổ hồng hẳn hoi.
Khác với biệt thự, đất nền dự án và căn hộ chung cư, nhà riêng lẻ nội thành Tp.HCM thường không có quy chuẩn đồng nhất do lịch sử để lại. Từ diện tích, thiết kế đến pháp lý đều muôn hình vạn trạng, còn giá cả thì thượng vàng hạ cám. Quy luật của thị trường này là thuận mua vừa bán, đôi khi pháp lý chỉ là thứ yếu.
Cũng theo ông Hãn, "nhà hẻm nhỏ là bản sắc riêng của Sài Gòn dù giá trị của nó không cao và ít được chọn làm cơ hội đầu tư. Sản phẩm này khá phù hợp với những gia đình có mức sống trung bình và mua với mục đích để ở là chính".