Tiết lộ của những người đầu tiên được vay vốn mua nhà

03/08/2013 11:08:29 Lượt xem: 13

Đến nay, bên cạnh các doanh nghiệp, một số cá nhân đã tiếp cận được với nguồn vốn để mua nhà. Trong khi đó, cũng có rất nhiều người nghèo có nhu cầu vay tiền, nhưng vướng chỗ này, mắc chỗ kia, loay hoay không thể tiếp cận được vốn.

Vậy thực chất khó khăn nằm ở đâu? Do các quy định không rõ ràng, do khách quan từ phía ngân hàng (NH) và Bộ Xây dựng, hay do chính chủ quan của người đi vay vốn? Làm thế nào để có thể vay tiền?

Chủ động nộp tiền ký hợp đồng, chủ động hoàn thiện hồ sơ

Là một trong số những người may mắn đã vay được tiền, chị Phương Thị Thúy, chuyên viên tư vấn tại Công ty cổ phần ISN (có hộ khẩu thường trú tại tổ 15, cụm 2, Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) không giấu được niềm vui khoe với chúng tôi: Không những đã được giải ngân vốn vay, mà chị đã được nhận chìa khóa căn hộ mơ ước của mình. Bằng từ nhiều nguồn, chị đã dành dụm được một số tiền và đăng ký mua nhà ở xã hội của Công ty Viglacera ở Đặng Xá (Gia Lâm-Hà Nội). Tuy nhiên, căn hộ diện tích 69,9m2, có giá 727 triệu đồng, số tiền tích cóp của chị không đủ. Khi nghe về thông tin gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho người thu nhập thấp mua nhà, chị đã tìm hiểu và mạnh dạn bốc thăm căn hộ, ký hợp đồng, vét toàn bộ tiền đóng trước 70%, sau đó chủ động tìm đến NH xin nộp hồ sơ.

“Cũng có thể, tôi là người may mắn, nhưng để có được sự may mắn đó, tôi cũng phải luôn chủ động trong điều kiện cho phép của mình”, chị Thúy bắt đầu câu chuyện với chúng tôi khá hồ hởi.

Những khách hàng đầu tiên được Vietinbank ký kết cho vay phát triển nhà ở.

Thực ra, hành trình vay vốn của chị Thúy cũng không hề suôn sẻ. Trước khi được Ngân hàng Vietinbank giải quyết cho vay, chị cũng đã “gõ cửa” một số ngân hàng khác.

Điều khiến chị khá bất ngờ là chỉ sau 3 ngày đã có phản hồi từ phía Ngân hàng Vietinbank cho biết, hồ sơ của chị đã được thẩm định, được thông qua và đủ điều kiện để vay. “Với tổng thu nhập hằng tháng của tôi là 8,9 triệu đồng, Vietinbank đồng ý cho tôi vay 200 triệu đồng, cả gốc lẫn lãi phải trả hằng tháng là 2,6 triệu đồng. Với một người đang độc thân như tôi, thì mức đó là hợp lý” – chị Thúy cho biết.

Thực ra, điều thuận lợi lớn nhất mà chị Thúy có được dễ dàng tiếp cận vốn đó là chị đã chủ động xác định mua căn hộ, đã nộp được 70% giá trị căn hộ và ký hợp đồng với chủ đầu tư. Số tiền thiếu còn lại là 200 triệu đồng, chị tiếp cận được vốn vì thứ nhất, nó là khoản tiền chỉ chiếm 1/3 giá trị căn hộ, hơn nữa, mức thu nhập của chị đủ để trả gốc và lãi hằng tháng, sau khi trừ các chi phí cho cuộc sống. “Khá nhiều khách hàng đi theo hình thức phải “ăn chắc” là đợi NH giải ngân thì họ mới thanh toán số tiền ban đầu cho chủ đầu tư. Theo kinh nghiệm của tôi, khâu chuẩn bị hồ sơ, thủ tục đặc biệt quan trọng. Khách hàng nên đến NH trao đổi trực tiếp, cố gắng hoàn thiện sớm hồ sơ để NH có những bước hướng dẫn tiếp theo cho mình”, chị Thúy chia sẻ.

Không nản, không ngại, kiên trì gõ cửa

Thực ra, khi giải ngân gói tín dụng, việc các NH chặt chẽ là điều tất yếu. Khoan nói đến tình trạng nợ xấu khiến hệ thống NH kiệt quệ, dù vốn ế tắc, các nhà băng vẫn không dám hạ chuẩn tín dụng, thì cho vay ưu đãi vốn hay bị “soi”, mà nguy cơ chệch đối tượng là rất dễ, nên buộc các NH phải thận trọng. Nếu khách hàng chỉ vì bị từ chối một vài lần mà nản, bỏ cuộc thì sẽ rất khó tiếp cận được vốn. Trường hợp chị Nguyễn Thị Thiêm, giảng viên Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội là một ví dụ khác về tính kiên trì.

“Hai vợ chồng tôi đến điểm NH Vietcombank trên đường Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội) để tìm hiểu, nhưng thực sự thất vọng vì nhân viên ở đây tư vấn là với mức lương 14 triệu đồng của cả hai vợ chồng thì chỉ đủ chi tiêu sinh hoạt cho gia đình và 1 đứa con, không thể trả nợ được. Khi tôi thắc mắc: Mức thu nhập bao nhiêu mới được vay, trong khi theo quy định, thu nhập dưới 9 triệu đồng mới thuộc diện thu nhập thấp - diện được đăng ký mua nhà thu nhập thấp? Chính nhân viên đó viện dẫn hai vợ chồng họ lương 23 – 25 triệu đồng mà chẳng dám tính đến phương án vay vốn nào, rồi khuyên tôi không nên vay vốn thời điểm này(?!). Nghe thấy thế, vợ chồng tôi rất nản và định bỏ cuộc. Tôi nghĩ, khi vay tiền để mua nhà thì người ta không thể không tiết kiệm để trả nợ được, nên phải tùy chi tiêu cụ thể từng gia đình chứ. Có gia đình thu nhập 10 triệu đồng, thậm chí 7-8 triệu đồng vẫn có thể được vay vốn cơ mà?

Thế nhưng may mắn là sau đó, chính chủ đầu tư là Công ty Viglacera đã giới thiệu tôi đến Vietinbank. Tại đây, các thủ tục tư vấn rất thoải mái. Chủ động liên lạc qua email, chỉ sau 10-20 phút, mọi vấn đề thắc mắc tôi đều được giải đáp. Hiện thủ tục hồ sơ của tôi không vướng mắc gì cả, chỉ có trong bản hợp đồng giữa tôi và chủ đầu tư không có giá trị cầm cố và thế chấp, nhưng khi làm thủ tục vay vốn theo gói tín dụng này, tôi cần dùng hợp đồng này để tín chấp, nên phía NH đang chờ phản hồi từ phía chủ đầu tư mới quyết định giải ngân”.

“Thực ra, tôi nghĩ không phải cứ chủ quan một NH, một nhà đầu tư, một phía của người đi vay là hiệu quả, mà tất cả phải cùng hỗ trợ, cùng hợp tác thì mới có thể tiếp cận được nguồn vốn này”, chị Thiêm nói thêm.

(Theo CAND)
 
Bài viết được trích dẫn nguyên văn từ nguồn tham khảo (nếu có). Vui lòng Liên hệ với chúng tôi để báo cáo sai sót.

ĐĂNG TIN MIỄN PHÍ - BẤT ĐỘNG SẢN - MUA BÁN NHÀ ĐẤT
Copyright © 2013 nhaban.vn | Email: info@nhaban.vn | ĐT: (028)71068910
Số đăng ký nhãn hiệu: 236786, 248513

Công ty cổ phần tập đoàn MGROUP

Tầng 19 khu A, Indochina Park Tower, 4 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM

Chịu trách nhiệm nội dung: ông Mai Nam Chương

Quý vị đang theo dõi bài viết về dự án


Liên hệ với đại lý tư vấn dự án để được cập nhật thông tin mới nhất