Sau hơn 10 năm khiếu nại, gia đình ông Trần Đình Hà, trú tại tổ 4, cụm 1, phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP Hà Nội những tưởng đã đòi được phần đất lấn chiếm khi ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội có Công văn số 896, giao UBND quận Tây Hồ tổ chức thực hiện quyết định của TP, và báo cáo UBND TP trong tháng 3-2013. Thế nhưng, đến nay, chỉ đạo của UBND TP Hà Nội vẫn chưa được thực hiện.
Công văn số 896 của UBND TP Hà Nội đã nêu rõ, trên cơ sở xét kết luận và kiến nghị của Thanh tra TP tại Công văn 2901/TTTP ngày 19-12-2012 về giải quyết tranh chấp ranh giới sử dụng đất giữa gia đình ông Trần Đình Hà và ông Bùi Văn Duyên: Ranh giới thửa đất giữa hộ gia đình ông Duyên và ông Hà được xác định theo tờ bản đồ ký hiệu 8G-III-13 đo vẽ năm 1994, lưu tại Sở TN-MT và Quyết định số 2381/QĐ-UB ngày 2-5-2003 của UBND TP Hà Nội giải quyết tranh chấp ranh giới sử dụng đất giữa hộ ông Hà và ông Duyên đã căn cứ vào tờ bản đồ nói trên và các biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất, sổ mục kê do UBND phường Bưởi quản lý là đúng pháp luật.
Quyết định của UBND TP Hà Nội bị “chần chừ” thực hiện.
Tại Quyết định 2381, UBND TP Hà Nội đã khẳng định nội dung đơn của ông Hà nêu ông Duyên lấn chiếm đất đai của ông Hà tại số nhà 19, tổ 4, cụm 1, phường Bưởi là có cơ sở. UBND TP Hà Nội cũng giao UBND quận Tây Hồ chỉ đạo các phòng chức năng và UBND phường Bưởi xác định lại mốc giới, diện tích thửa đất giữa hộ ông Hà và ông Duyên. Đến năm 2005, mốc giới giữa các bên đã được xác định trên thực địa. Song, việc thực hiện bàn giao phần đất 11m2 mà hộ ông Duyên lấn sang hộ ông Hà chưa thực hiện được, vì nhiều nguyên do.
Về nguồn gốc sử dụng đất, năm 1965 bố mẹ ông Hà là cụ Trần Đình Đức và Đinh Thị Viễn mua một ngôi nhà có diện tích 90m2 tại số 19, tổ 4, cụm 1, phường Bưởi. Sau đó, gia đình ông Hà đã bán cho ông Toản 40m2. Ranh giới giữa nhà ông Hà và ông Duyên là tường rào do ông Duyên xây từ năm 1978. Đến tháng 3-2000, ông Duyên phá tường rào, xây dựng nhà và hai bên xảy ra tranh chấp.
Kết quả xem xét của Thanh tra TP Hà Nội cho biết, tại Bản đồ địa chính năm 1994, tờ bản đồ 8G-III-19 do UBND phường Bưởi và Phòng Địa chính - nhà đất quận Tây Hồ lưu trữ thì cụ Đức đứng tên sử dụng thửa đất 189a+b có diện tích 122,7m2, ông Duyên đứng tên sử dụng thửa đất 174a+b có diện tích 130m2, trên bản đồ ranh giới giữa hai nhà là 1 đường thẳng. Tuy nhiên, trên Bản đồ địa chính đo vẽ hiện trạng sử dụng đất năm 1994, tờ bản đồ 8G-III-13 và 8G-III-19 do Sở Địa chính - nhà đất Hà Nội (nay là Sở TN-MT) lưu giữ thì thì thửa đất của ông Hà có diện tích 95,178m2, thửa đất của ông Toản có diện tích 40,25m2 và thửa đất mang tên ông Duyên có diện tích 118,2m2 và ranh giới giữa nhà ông Hà và ông Duyên là một đường gấp khúc.
Chính sự tồn tại song song hai tờ bản đồ này mà quá trình giải quyết tranh chấp của hộ ông Hà và ông Duyên kéo dài. Theo Phòng Địa chính - nhà đất quận Tây Hồ, năm 1997, trong quá trình hoàn chỉnh hồ sơ kỹ thuật thửa đất cho các hộ dân thuộc phường Bưởi, Sở Địa chính - nhà đất có đo đạc xác định lại mốc giới, diện tích đất của từng hộ dân. Sau đó bổ sung, sửa đổi trên bản đồ năm 1994 nhưng Sở Địa chính - nhà đất chưa thông báo việc sửa đổi đó cho quận Tây Hồ. Dẫn đến, UBND quận Tây Hồ căn cứ vào bản đồ chưa sửa chữa để giải quyết khiếu nại của ông Hà. Ngoài việc xem xét lại cơ sở pháp lý của hai tờ bản đồ nói trên, năm 2009, các cơ quan chức năng cũng đã làm rõ chữ ký của ông Duyên trong các biên bản xác định ranh giới, mốc giới giữa hai hộ là đúng, nhưng ông Duyên không thừa nhận. Sau khi có kết luận giám định, UBND TP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo quận Tây Hồ thực hiện dứt điểm Quyết định 2381, và gần đây nhất là bằng Công văn số 896 nói trên.
Dưới sự chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, lần lượt các Sở TN-MT, Thanh tra TP đã vào cuộc xác minh, làm rõ các cơ sở pháp lý và khẳng định gia đình ông Hà khiếu nại bị lấn chiếm đất là có cơ sở. Thế nhưng, với những “khó khăn” từ gần chục năm trước mà phường Bưởi đưa ra, cho thấy kết luận của các cơ quan chức năng của TP dường như không có ý nghĩa và quyết định của UBND TP đang bị “né” thực hiện!?