Ngay khi thông tin gói hỗ trợ lãi suất 6% mua nhà được đưa ra, nhiều người đã cân nhắc tài chính, tìm dự án phù hợp, hỏi thủ tục, chuẩn bị hồ sơ... với hy vọng có thể sở hữu nhà ở. Nhưng cũng như không ít lần trước đó, con đường để gói hỗ trợ tới tay người thụ hưởng đang gặp không ít trắc trở.
Trắc trở đầu tiên đến chính là từ Ngân hàng Nhà nước, một mặt tuyên bố sẵn sàng triển khai chính sách ưu đãi lãi suất (LS) nhưng mặt khác lại kêu "vướng" luật Nhà ở (chỉ quy định cho thuê, thuê mua loại hình nhà ở xã hội) nên không thể cho vay mua - bán nhà ở xã hội. Sự máy móc này đã gặp phản ứng của rất nhiều người cũng như chính lãnh đạo Bộ Xây dựng. Mọi việc rốt cuộc đành "ngưng" lại chờ xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ trong khi việc triển khai gói ưu đãi LS này là nhằm thực hiện theo Nghị quyết 02 của Chính phủ ban hành trước đó. Cách làm của Ngân hàng Nhà nước đang khiến dư luận đặt câu hỏi, cơ quan này có thực sự muốn thực hiện gói LS giá rẻ cho người có thu nhập thấp hay không khi đưa ra "chướng ngại vật" ngay bước khởi động chương trình?
Chuyện này chưa giải quyết xong thì vài ngày trước, lại có ý kiến lo ngại về gói hỗ trợ nói trên và cho rằng, cứ để bất động sản (BĐS) rơi tự do, giá sẽ giảm thêm một nửa. Giá tiếp tục giảm là điều ai cũng muốn, rất muốn, nhất là sau nhiều năm thị trường BĐS bị đẩy giá lên trời. Nhưng giá có thể giảm thêm bao nhiêu, bao giờ giảm, dự án nào, phân khúc nào cần giảm, đâu là mức đáy của thị trường... không ai đưa ra những tỷ lệ, những con số cụ thể dù việc này không hề khó. Vậy thì hãy để Chính phủ hỗ trợ người thu nhập thấp, cán bộ công nhân viên, lực lượng vũ trang... có thể tiếp cận nguồn vốn rẻ với LS ưu đãi 6%, hãy để các đối tượng này có cơ hội sở hữu một căn hộ mà nếu không có đợt suy thoái kéo dài vừa qua, họ rất khó để hy vọng. Kích hoạt thị trường BĐS từ phân khúc nhà ở xã hội không chỉ khiến các đối tượng nói trên có nhà ở, thúc đẩy sản xuất, hồi phục kinh tế bởi phía sau BĐS là hàng loạt các công ty, ngành nghề sản xuất, dịch vụ đi kèm. Đây còn là cơ hội để thị trường BĐS tái cấu trúc lại phát triển phù hợp với cung - cầu trên thị trường chứ không phải tất cả đều lao vào phân khúc cao cấp như trước đây.
Kinh tế năm nay đã khởi động rất chậm chạp với sức mua tiếp tục suy yếu. Vì vậy, điều nên làm lúc này là thúc đẩy nhanh chóng việc áp dụng các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; kéo dài thời hạn ưu đãi LS 6% lên 10 năm thay vì 3 năm như dự thảo hiện nay để các đối tượng được vay yên tâm; quy định cụ thể, chi tiết những điều kiện về mức thu nhập, danh sách dự án; đơn giản hóa thủ tục pháp lý... để các đối tượng đủ điều kiện nhanh chóng tiếp cận chính sách; minh bạch dòng chảy của nguồn vốn ưu đãi LS vào đúng nơi, đúng chỗ.
Chỉ còn hơn nửa tháng nữa (15.4) sẽ chính thức đến ngày triển khai gói hỗ trợ LS nói trên. Hãy đề xuất các giải pháp, phương án tạo hành lang thông thoáng nhất để gói vốn giá rẻ đến tay các đối tượng thụ hưởng thay vì tạo ra các trắc trở không cần thiết như nói trên.
- Theo Thanh Niên