Đã có 112 căn hộ bán cho người nước ngoài
Chiều ngày 21/7, trong một báo cáo điểm lại hoạt động thị trường BĐS Tp.HCM quý II/2015, Công ty nghiên cứu CBRE đưa thông tin, hiện đã có hàng trăm căn hộ được bán cho người nước ngoài ngay sau khi luật Nhà ở 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7 vừa qua. Cụ thể, hiện đã có 112 căn hộ tại một dự án lớn nhất Sài Gòn của Tập đoàn Vingroup được bán thành công cho nhà đầu tư là người nước ngoài.
CBRE Việt Nam nhận định: “Trong những năm qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài và Việt kiều vẫn thường phàn nàn về sự không công bằng trong giao dịch mua bán căn hộ tại thị trường Việt Nam. Còn bây giờ, với những chính sách mới, chúng ta có thể thấy việc họ có thực sự muốn nắm bắt cơ hội sẽ diễn ra thế nào”.
Báo cáo này của CBRE cũng cho biết, thị trường căn hộ vẫn đang tiếp tục phục hồi. Điều này đã được chứng minh bởi lượng tiêu thụ căn hộ lập kỷ lục trong quý II vừa qua với hơn 10.000 căn. Nếu vào giai đoạn năm 2012 - 2013, khách hàng chủ yếu mua căn hộ thuộc phân khúc bình dân thì nay, nhu cầu đã dịch chuyển sang phân khúc cao cấp.
Cũng trong quý II/2015, phân khúc căn hộ cao cấp ghi nhận mức tiêu thụ đạt khoảng 5.800 căn hộ, trong khi ở phân khúc bình dân, con số này chỉ dừng lại ở mức 2.800 căn.
Nhà đầu tư nước ngoài đang là đối tượng tiềm năng giúp kích thích giao dịch nhà ở.
Quý II/2015 ghi nhận có nguồn cung căn hộ cao cấp mở bán xếp thứ hai trong lịch sử (tương đương khoảng 4.500 căn), phần lớn nằm ở khu đông Sài Gòn. Đáng chú ý, bên cạnh lượng chào bán căn hộ tăng cao, đa số các dự án cao cấp hiện đã tăng giá bán vào giai đoạn/lần mở bán sau.
Theo ông Marc Townsend, TGĐ CBRE Việt Nam, trên thực tế, điều luật mới đã giúp mở rộng cánh cửa cho những nhà kinh doanh nước ngoài có quyền sở hữu các cơ sở sản xuất tại Việt Nam, nơi được đánh giá là có chi phí vốn thấp hơn và chi phí nhân công rẻ hơn so với một số nước láng giềng trong khu vực.
Nhiều công ty quốc tế hiện nay đang muốn tận dụng mức độ đô thị hóa nhanh và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng tại Việt Nam để xúc tiến mua các tòa nhà thương mại phức hợp tại Tp.HCM và Hà Nội để tạo lập cơ sở kinh doanh, đồng thời triển khai các hoạt động thương mại, bán lẻ.
Đơn cử, Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc vừa mua lại cổ phần kiểm soát của khu phức hợp bậc nhất Diamond Plaza tại Tp.HCM. Còn tòa tháp Keangnam Landmark 72 tầng ở Hà Nội cũng được một ngân hàng định giá 770 triệu USD, và đang được Goldman Sachs cùng với Quỹ đầu tư Qatar Investment Authority tìm cách mua lại để tiếp tục đầu tư.
Ngoài ra các công ty niêm yết có vốn sở hữu 100% của nước ngoài không thuộc lĩnh vực nhạy cảm cũng sẽ được phép hoạt động kể từ ngày 1/9/2015. Đây sẽ là điều kiện giúp thúc đẩy hoạt động thu mua BĐS của các nhà đầu tư nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu chiến lược kinh doanh.
“Vốn đầu tư từ các nước như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Hồng Kông hiện vẫn là nguồn vốn tích cực nhất trong lĩnh vực BĐS, và tâm lý đầu tư sẽ chỉ tăng lên khi nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc các điều luật mới ở trên”, ông Marc Townsend đánh giá.
(Theo Thanh Niên Online)