Kinh tế toàn cầu cần những mô hình tăng trưởng mới

27/04/2013 23:34:00 Lượt xem: 48

Dù tại một số khu vực và nền kinh tế đã xuất hiện các dấu hiệu khả quan, các chuyên gia kinh tế cho rằng không nên đánh giá thấp thách thức tăng trưởng mà kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt. Các ngành mạnh hơn trong nội bộ các quốc gia và giữa các quốc gia sẽ phục hồi, nhưng không đủ để khiến kinh tế toàn cầu hồi phục. Hậu quả là các ngành yếu hơn có thể bị vượt qua với một tốc độ nhanh hơn. Xu hướng này sẽ trở nên khó hòa giải.

Giải pháp nào cho phục hồi kinh tế toàn cầu?

Thách thức kinh tế cấp bách nhất của tất cả các quốc gia như Braxin, Trung Quốc, Síp, Pháp, Hy Lạp, Aixơlen, Ailen, Hàn Quốc, Bồ Đào Nha, Anh và Mỹ là gì? Đó không phải là nợ và thâm hụt, không phải là xử lý hậu quả của việc vay và cho vay vô trách nhiệm. Thách thức số một của các nước như trên là phải phát triển những mô hình tăng trưởng mới, có thể tạo ra nhiều công việc ổn định và được trả lương cao. Xét cả về lý thuyết và thực tế, đây là một thách thức không dễ giải quyết và không thể giải quyết một cách nhanh chóng.

Trong những năm vừa qua, mô hình tăng trưởng ở nhiều nước đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết. Một số quốc gia như Hy Lạp và Bồ Đào Nha phải đi vay nợ để có tiền hỗ trợ hoạt động kinh tế. Các quốc gia khác như Síp, Aixơlen, Ailen, Anh và Mỹ dùng "đòn bẩy" đối với các thể chế tài chính để tài trợ cho các hoạt động của khu vực tư nhân.

Các nước khác như Trung Quốc và Hàn Quốc đã khai thác tiến trình toàn cầu hóa và thương mại quốc tế một cách vô độ để giành thị phần ngày càng tăng. Và nhóm cuối cùng "ăn theo" sự phát triển của Trung Quốc.


Các mô hình kinh tế của thị trường tự do đã trở nên già cỗi, cần tìm kiếm những mô hình mới cho sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu giai đoạn hậu khủng hoảng 2008

Các dữ liệu mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy các mô hình tăng trưởng trên không mang lại hiệu quả. Trong 5 năm gần đây, tăng trưởng trung bình toàn cầu chỉ đạt 2,9%/năm, mức thấp nhất kể từ năm 1971, trong đó, tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển gần như đình trệ, còn tăng trưởng của các thị trường đang nổi chỉ đạt 5,6%, thấp hơn mức trung bình 5 năm trước đó (7,6%).

Các nền kinh tế phát triển là các nền kinh tế lâm nguy đầu tiên. Các chính sách táo bạo nhằm đối phó với những khó khăn tài chính đã ngăn được suy thoái toàn cầu, nhưng gây thâm hụt ngân sách khá lớn.

Các chính phủ nợ nần nhiều lâm vào tình cảnh khốn khó. Những rắc rối mang tính trung hạn đã bộc lộ rõ ràng hơn, góp phần làm phân cực chính trị và tạo ra những khó khăn mới cho tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, nền kinh tế toàn cầu ngày càng ít năng động và phụ thuộc lẫn nhau khiến ngay cả những nước có bản cân đối kế toán lành mạnh cũng bị suy giảm tăng trưởng.

Những hậu quả đau đớn là rõ ràng, nhất là tại các nước phương Tây. Với tốc độ tăng trưởng không đủ để giải nợ một cách an toàn, chi phí xã hội trở nên lớn. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao đáng báo động, mạng lưới an sinh xã hội thu hẹp và việc giảm đầu tư vào cơ sở hạ tầng, vốn nhân lực đang đè nặng lên thế hệ hiện nay, và rất có thể sẽ tác động xấu đến các thế hệ tương lai. Trong tiến trình này, sự bất bình đẳng đang tiếp tục tăng lên.

Tăng trưởng theo “chính sách kinh tế Abe”

Chương trình cải cách kinh tế của Thủ tướng Abe khá giống với những chính sách đã giúp Nhật Bản thoát khỏi Đại suy thoái hồi những năm 30 của thế kỷ trước.

Chương trình cải cách kinh tế của ông Abe đang hỗ trợ sự phục hồi của Nhật Bản. Đó là một chương trình toàn diện gồm các chính sách tiền tệ, tài chính và cơ cấu. Thống đốc mới của Ngân hàng Nhật Bản, ông Haruhiko Kuroda đã cam kết đảo ngược tình trạng giảm phát kinh niên của Nhật Bản và ấn định chỉ tiêu lạm phát 2%.

Lập trường của ông Kuroda đang làm suy yếu tỷ giá của đồng yên, giúp hàng hóa Nhật Bản có sức cạnh tranh hơn. Điều này phản ánh sự phụ thuộc lẫn nhau về chính sách tiền tệ: Nếu Ngân hàng Dự trữ Trung ương Mỹ (FED) thực thi chính sách nới lỏng định lượng (QE) để làm suy yếu đồng USD, các nước khác phải phản ứng để ngăn chặn việc định giá quá cao đồng nội tệ của họ. Chính sách tiền tệ của Nhật Bản dường như sẽ tập trung giải quyết những vấn đề quan trọng như tắc nghẽn tín dụng.

Có nhiều lý do để tin rằng chiến lược phục hồi kinh tế của Nhật Bản sẽ thành công: nước này đang được lợi từ các thể chế mạnh, lực lượng lao động được giáo dục tốt với các kỹ năng kỹ thuật tuyệt vời, sự nhạy bén trong thiết kế và đặc biệt Nhật Bản là nước nằm trong khu vực năng động nhất thế giới. Tình trạng bất bình đẳng tại Nhật Bản thấp hơn nhiều so với nhiều nước công nghiệp phát triển khác, kể cả Canađa và các nước Bắc Âu. Nếu chương trình toàn diện mà ông Abe vạch ra được thực hiện tốt, triển vọng kinh tế của Nhật Bản sẽ sang sủa hơn nhiều nước phát triển khác./.

Bài viết được trích dẫn nguyên văn từ nguồn tham khảo (nếu có). Vui lòng Liên hệ với chúng tôi để báo cáo sai sót.

ĐĂNG TIN MIỄN PHÍ - BẤT ĐỘNG SẢN - MUA BÁN NHÀ ĐẤT
Copyright © 2013 nhaban.vn | Email: info@nhaban.vn | ĐT: (028)71068910
Số đăng ký nhãn hiệu: 236786, 248513

Công ty cổ phần tập đoàn MGROUP

Tầng 19 khu A, Indochina Park Tower, 4 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM

Chịu trách nhiệm nội dung: ông Mai Nam Chương

Quý vị đang theo dõi bài viết về dự án


Liên hệ với đại lý tư vấn dự án để được cập nhật thông tin mới nhất